Sáng ngày 26 tháng 5, sau khi làm xong công việc ở thủy điện Sơn La, chúng tôi có ý định ghé vào công trường xây dựng thủy điện Huội Quảng, mấy anh ở văn phòng Ban điều hành đều “can”: Đường vào đó khó đi lắm, vả lại mấy hôm nay đều có mưa lũ to, cộng thêm việc thi công trên công trường từ Tết đến giờ thiếu việc làm nghiêm trọng. Quả thật là gian nan cho người lái xe, mặc dù quãng đường từ thị trấn Mường La qua Huội Quảng đến Bản Chát dài chừng tám, chín chục km đã được EVN đầu tư làm mới trên cơ sở (lối đường mòn đã có chạy tuốt tận Lào Kay từ những năm xưa) nhằm phục vụ cho thi công xây dựng các dự án lớn tại hai công trình thủy điện Huội Quảng và thủy điện Bản Chát.
Tuy nhiên ngày nay khi công cuộc xây dựng vẫn còn dang dở nhưng nhiều đoạn đường đã bị phồng rộp, hoặc xẹp lún thành nhiều đường rãnh sâu hoắm bởi hàng ngày những đoàn xe tải nặng qua lại tuyến Lai Châu – Sơn La đi Lào Kay. Hơn một giờ đồng hồ vật vã trườn lắc, chiếc xe con bốn chỗ mới chở chúng tôi đến được trụ sở Ban Điều hành. Không như những công trình khác, tuy không có nhà tầng nhưng khuôn viên của Ban Điều hành thủy điện Huội Quảng thoáng đãng, rộng rãi. trên sân không có bóng người, các gara và bãi sân trống cũng chẳng thấy có chiếc xe nào. Tìm vào phòng Hành chính mới được biết Giám đốc và các lãnh đạo của Ban đều đã ra hiện trường (cách đó khoảng 16km) để chỉ đạo công tác cứu hộ, khắc phục sự cố sạt lở đêm qua.
Chờ đợi hơn nửa giờ, chúng tôi mới mượn được chiếc xe gầm cao “lội” ra hiện trường. Giám đốc Ninh Duy Phóng cùng Phó ban Đặng Hùng Sơn đang trực tiếp điều hành phương tiện và phân công các kíp chỉ huy thi công. Nơi xảy ra sự cố sạt lở núi ngay tại vai trái đập dâng. Hàng nghìn mét khối đất đá từ trên cao đổ xuống chặn ngang đường trục giao thông chính khiến cho hàng 100 xe vận tải ở cả hai đầu tuyến Lao Kay và Sơn La phải chững lại, chờ đợi thông đường.
Theo kỹ sư Đặng Hùng Sơn – người có mặt tại công trường từ những ngày đầu khởi công thì đây là lần thứ 3 nơi này đã xảy ra sạt lở núi, may là chưa thiệt hại về người, còn thiệt hại về phương tiện, vật tư gây chậm tiến độ đều đã xảy ra. Mùa mưa, sự cố thường xuyên rình rập, lại đúng ngay phía trên nơi đang thi công vai trái của Đập. Tôi hỏi: Vậy sao không có biện pháp khắc phục ? Ông Sơn chỉ tay về phía trước mặt nói: Anh nhìn chỗ kia, công trường đang cho kè đá và đổ bê tông tường chắn nhưng thật ra cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi sợ tốn kinh phí, Chủ đầu tư còn lo tiết giảm! Vào khu vực công trường qua một cây cầu dài bắc qua sông đi từ Hầm phụ số 2 sang địa điểm Nhà máy (nơi đây còn vắng lặng) đến khu vực đầu mối thi thoảng mới gặp một vài chuyến xe qua lại, một số tốp thợ đang tham gia xây dựng thi công.
Với 4km đường hầm nhưng không khí khoan nổ, vận chuyển không có gì ồn ã, tấp nập. Và kia, trên một bãi đất trống, hàng núi ống thép đường kính 4m lắp vào tuyến ống áp lực được một nhà thầu chế tạo tận Đà Nẵng vận chuyển đến công trình hơn 1 năm nay mà vẫn chất đống phơi ra trước hai mùa mưa nắng, chưa biết đến bao giờ mới được lắp vào hầm dẫn nước phục vụ cho quay tua-bin. Chúng tôi có cảm giác như đây không phải là một công trường lớn mang tầm cỡ của một dự án đồ sộ với công suất lắp máy lên đến 520MW. Leo lên tháp điều áp số 2, cảnh tượng còn đìu hiu, xót xa hơn bởi mùa mưa nằm ngoài sự cố sạt trượt đã gây lún sụt vùi lấp một số phương tiện thi công của Công ty Sông Đà 10, nay vẫn chưa lấy ra được vì còn chờ đợi phương án xử lý mới.
Tại thủy điện Huội Quảng hôm nay các lực lượng thợ của nhà thầu hiện có trên dưới 1000 người gồm có các Công ty Sông Đà 6, Sông Đà 4, Sông Đà 5, Sông Đà 9, Sông Đà 10, các đơn vị tư vấn, thiết kế bản vẽ thi công cùng với Công ty xây dựng Lũng Lô. Tất cả đều đang ứng trực, có đầy đủ phương tiện, thiết bị, nhân lực để thực hiện các hạng mục cho công trình. Nhưng duy nhất có một điều khiến công việc phải chậm lại chỉ vì “vốn”. Vốn được trông chờ từ nhà đầu tư, từ Ban quản lý Dự án, thêm nữa, lực lượng thi công của nhà thầu muốn vào cuộc thì một số hạng mục như tháp điều áp, hầm gian máy, gian biến thế… vẫn chưa nhận được thiết kế thay đổi bổ sung. Vì vậy, nhà thầu thi công chỉ còn biết trông ngóng, chờ đợi! và chờ đợi.
Trở về trụ sở Ban Điều hành nhà tổng thầu, chúng tôi ngỡ ngàng và xúc động bởi sự tiết giảm tối đa nơi đây so với tất cả những nơi khác. Trong phòng khách và buồng làm việc của vị Giám đốc không có điều hòa, không có tủ lạnh, không có chậu cảnh, bình hoa, không có tiếp tân, người phục vụ, chỉ có duy nhất một chiếc bàn con, bộ ghế gỗ được sắm từ hồi khai trương động thổ công trình cách đây dăm bảy năm về trước. Giám đốc Ninh Duy Phóng cho biết: Từ 2 tháng qua, công trình đang dần được hồi sinh trở lại do có một số ngân hàng đã trực tiếp vào công trình xem xét để cho vay vốn. Tuy vậy, công trường cũng còn đang tiếp tục trông đợi và kêu gọi thêm vốn từ những ngân hàng chủ chốt như : Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Dầu khí sớm vào cuộc thì công việc xây dựng Dự án mới sẽ được tiến triển nhanh hơn. Đến thời điểm này Ban Điều hành đã đặt ra các mục tiêu chính (dựa vào sơ đồ tối thiểu của Tập đoàn Điện lực) cho các lực lượng thi công tiến hành khoan nổ, vận chuyển đất đá, tại hố móng; gia cố xong phần chân của Đê quây hạ lưu; gia cố bê tông thép tại vai trái đập dâng từ cốt 362 – 374 và từ 374 đến cốt 390 nhằm đảm bảo an toàn cho quá trình thi công phía dưới. Ông Phóng nhấn mạnh: công việc trọng yếu trước mắt là phải nạo vét, dọn sạch và đắp đổ bằng xong trên 10.000m3 bê tông bản đáy đập Dâng trước tuần đầu tháng 6 đảm bảo an toàn đón lũ qua mùa này nhằm tạo thuận lợi cho thi công thân đập và các hạng mục tiếp theo.
Nguồn: Songda.vn